Giá lúa đang tăng cao kỷ lục tại sao lại đề xuất giảm diện tích trồng lúa?

  • 10/03/2021, 22:40 (GMT+7)
  • 425

Nhiều chuyên gia ở ĐBSCL đề xuất giảm diện tích lúa mặc dù thời điểm này giá lúa Đông Xuân 2021 đang ở mức cao kỷ lục. Theo các chuyên gia, các vùng ven biển nên thay thế cây lúa bằng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, vùng không có nước mặn xâm nhập chỉ nên tập trung làm lúa chất lượng cao.

Liên quan đến hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ được tổ chức vào ngày 13/3 tới đây tại TP.Cần Thơ, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất giảm diện tích trồng lúa.

Theo ông Tuấn, ông vừa được mời tham dự hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Theo đó, ông đã chuẩn bị một số ý kiến trình bày tại đây nếu được đề nghị phát biểu.

Một trong ý kiến đề xuất của ông là giảm diện tích lúa ở ĐBSCL. Cụ thể là làm 1 vụ lúa ở vùng có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn hoặc bỏ cây lúa luôn, chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ở những khu vực khác, trồng lúa cho năng suất thấp thì làm lúa 2 vụ.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, sản lượng lúa ở ĐBSCL rất nhiều nên không lo về vấn đề an ninh lương thực. "Trước đây, mùa khô năm 2015-2016, ĐBSCL bị thiệt hại về cây lúa rất nhiều nhưng sản lượng gạo xuất khẩu đạt rất cao, khoảng 4 triệu tấn gạo" - ông Tuấn dẫn chứng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng nên làm 1 vụ lúa ở vùng có nguy cơ bị thiệt hại do mặn hoặc bỏ luôn cây lúa, chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn

Khi phóng viên hỏi, hiện nay giá lúa tăng kỷ lục, có nơi nông dân bán được từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, vậy việc giảm diện tích thời điểm này có phù hợp không, ông Tuấn nói: "Giá lúa tăng hiện vẫn chưa cao, nó chỉ là đỡ hơn những năm có giá thấp hơn. Hơn nữa, giá tăng ở vụ Đông Xuân sớm thôi, còn các vụ lúa khác thì chưa chắc vẫn giữ ở mức như hiện nay" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói tiếp: "Nếu so với giá cả của các mặt hàng chung, mức sinh hoạt, dịch vụ tăng thì người dân trồng lúa vẫn...nghèo".

Về sản xuất lúa ở ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL thông tin với phóng viên Dân Việt: "Cần giảm diện tích trồng, không coi trọng sản lượng mà hãy chú trọng vào thu nhập của người dân. Trồng lúa vùng ven biển sẽ bị thiệt hại, vậy nên chuyển sang cây - con khác. Không nên chống mặn để duy trì sản lượng lúa gạo".

"Số lượng ít thôi nhưng thu nhập cao hơn, như giống lúa của anh hùng lao động Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng bán ra gấp nhiều lần so với giá bình thường nhưng sản lượng lúa này không cao" - Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nói.

GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL cũng cho rằng, không nên giữ diện tích lúa ở vùng ven biển, có nguy cơ bị thiệt hại khi nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Theo GS Võ Tòng Xuân, ngành chức năng các địa phương nên mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang cây trồng khác và mời gọi doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm.

Theo GS Võ Tòng Xuân, từ khi có Nghị quyết 120 đến nay, nông dân các tỉnh ven biển đã bắt đầu thay đổi tư duy, chuyển đổi sản xuất. Cụ thể là chuyển mô hình lúa-tôm đã đem lại lợi nhuận gấp 4-5 lần trồng độc canh cây lúa như trước đây.

PV